Bạn có biết quy trình xuất bản sách một cuốn sách gồm các bước như thế nào không?
Có những hình thức xuất bản nào?
Tất cả sẽ được mình giải đáp trong bài viết này dựa trên chính kinh nghiệm thực tế Khi bản thân là tác giả của hai cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu và Khởi nghiệp, lựa chọn hay bản năng. Đồng thời là co-fouder của DIMI BOOK thương hiệu đang hỗ trợ dịch vụ trọn gói cho các tác giả ở Việt Nam lẫn nước ngoài về xuất bản sách.
Mình hy vọng với kinh nghiệm hỗ trợ hơn 30 đầu sách cho các chuyên gia, doanh nghiệp, lãnh đạo,…những kiến thức mà mình chia sẻ sẽ hữu ích đối với bạn.
Đầu tiên là quy trình xuất bản sách sẽ có những bước nào?
Để một cuốn sách hoàn thiện từ khâu ý tưởng cho đến cầm được cuốn sách trên tay, rồi đưa qua kệ sách, bạn cần hiểu và thực hiện theo những bước bên dưới.
Tìm chủ đề viết sách?
Đây là bước đầu tiên trong quy trình xuất bản một cuốn sách mà bạn cần phải thực hiện.
Việc tìm kiếm ý tưởng để tạo nên chủ đề của cuốn sách sẽ khiến cho cuốn sách vừa có giá trị nội dung với độc giả, vừa có thị trường khi phát hành.
Việc tìm ra được chủ đề để viết phụ thuộc vào việc bạn có chuyên môn gì cần chia sẻ? Bạn nghĩ độc giả sẽ cần điều gì ở cuốn sách của mình? Và bạn có thực sự đam mê khi chia sẻ điều đó hay không?
Chủ đề mà giao thoa giữa ba yếu tố trên thì chủ đề đó có cơ hội được độc giả đón nhận.
Để tìm kiếm ý tưởng cũng như đề tài để viết sách bạn có thể xem hướng dẫn của mình ở video bên dưới:
Mình sẽ chọn sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google Keyword Planner để xem lượng người tìm kiếm về chủ đề mà mình đang mong muốn viết sách làm như thế nào. Nếu chủ đề có nhiều người quan tâm vào mỗi tháng thì chứng tỏ khả năng được độc giả đón nhận cao.
Ngoài ra thì mình cũng hay đến nhà sách để xem thử thói quen quan tâm của độc giả như thế nào bằng việc quan sát hành vi mà họ tìm kiếm trên từng kệ sách. Hoặc quan sát cách họ trưng bày các sản phẩm bán chạy của mình ở ngay lối đi vào là những cuốn gì, thuộc đề tài nào.
Từ việc quan sát, bạn sẽ biết ngay hiện tại thị trường đang quan tâm đến dòng sách nào? Chủ đề tập trung vào điều gì? Từ đó bạn sẽ lên được ý tưởng cho chính cuốn sách của mình để viết đúng những nội dung mà độc giả đang cần thay vì viết theo mong muốn chủ quan của bản thân để khiến cuốn sách khó có đầu ra.
Trên đây là những việc mà một tác giả cần phải thực hiện trong bước đầu tiên của quy trình xuất bản sách.
Còn đối với một công ty sách hoặc nhà xuất bản thì sao?
Mỗi công ty hoặc nhà xuất bản sẽ có những định hướng về nội dung riêng theo tháng, theo quý và theo năm. Ở mỗi nơi, họ sẽ có những dòng sách thế mạnh riêng, nên nhiệm vụ của biên tập viên là dựa vào chỉ đạo của cấp trên để tìm hiểu nhu cầu thị trường và đề xuất đề tài sách phù hợp.
Khi chủ đề được duyệt thì biên tập viên sẽ lựa chọn hình thức mua bản quyền từ nước ngoài hoặc đặt hàng từ tác giả Việt để viết. Hoặc dựa vào số lượng bản thảo được gửi về từ email qua hình thức trao đổi mua bán bản quyền tác giả.
Thực hiện mua bản quyền
Sau khi thống nhất đề tài của sách, các biên tập viên trong công ty hoặc nhà xuất bản sách sẽ làm việc với phòng bản quyền hoặc nhân viên bản quyền để trao đổi chuyện mua bản quyền nội dung về dịch. Trong trường hợp cuốn sách đó vẫn chưa có đơn vị nào mua thì người phụ trách sẽ tiếp tục làm việc để thống nhất giá cả và thoả thuận bản quyền.
Chi phí để mua bản quyền sẽ dao động tuỳ vào từng bản thảo, tuỳ vào nội dung sách. Thông thường chi phí khoảng từ 6% – 10% X [số lượng sách bán ra] X [giá bìa]. (Ví dụ: sách có giá bìa là 200.000, và sản xuất 2000 cuốn, chi phí bản quyền sẽ được tính là 6% X 200 X 2000 = 24.000.000 VNĐ). Và mỗi lần tái bản thì sẽ có phát sinh thêm chi phí bản quyền.
Thực hiện viết sách hoặc đặt hàng tác giả viết
Đối với sách không qua dịch mà được viết trực tiếp từ Việt Nam. Đơn vị xuất bản hoặc công ty sách sẽ lên kế hoạch viết (trong trường hợp có nhân viên đảm nhiệm) hoặc liên hệ đặt hàng các tác giả đã từng cộng tác với họ. Đó là những người có chuyên môn và uy tín cá nhân để tạo nên những cuốn sách có giá trị.
Ngoài ra, họ cũng có thể cân nhắc lựa chọn các bản thảo được những tác giả gửi đến nếu cảm thấy đặc sắc, phù hợp với kế hoạch xuất bản của họ.
Thực hiện hiệu đính sách
Sau khi hoàn thiện công đoạn dịch sách, để đảm bảo sự chính xác nhất cho tác phẩm trước khi phát hành, các công ty sách hoặc nhà xuất bản sẽ tìm người có chuyên môn về ngôn ngữ để hiệu đính lại nội dung. Đây là một trong những bước quan trọng trong quy trình xuất bản sách. Hiệu đính có nghĩa là đối chiếu so với tác phẩm gốc xem đã dịch sát, đúng ý chưa, có cần điều chỉnh lại để phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam hay không?
Thực hiện biên tập sách
Sau khi cuốn sách hoàn thiện trước khi in ấn, các công ty sách hoặc nhà xuất bản luôn phải trải qua bước biên tập sách khi thực hiện quy trình xuất bản sách. Đây là bước giúp cuốn sách tạo độ chính xác cũng như có được chất lượng nội dung tốt nhất. Quá trình này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 15 ngày đến 30 ngày tuỳ vào độ khó nội dung bản thảo.
Trong quá trình làm việc, biên tập viên sẽ thảo luận và trao đổi thường xuyên, trực tiếp với tác giả để có sự thống nhất tối đa về mặt nội dung cuối cùng.
Thiết kế bìa và vẽ minh hoạ cho sách
Sau khi có nội dung về chữ viết, biên tập viên cần định hình phong cách thiết kế để tạo nên kiểu dáng đẹp mắt cả bên trong lẫn bên ngoài sách. Đó là bước thiết kế bìa và vẽ minh hoạ trong quy trình xuất bản sách. Ngày nay, ngoài nội dung tốt ra, cuốn sách sẽ có sự thu hút độc giả hơn bởi thiết kế độc đáo, có tính nghệ thuật cao.
Bìa sách và hình ảnh minh hoạ bên trong sách cần phù hợp với nội dung, giúp nội dung được truyền đạt đúng thông điệp tới độc giả.
Bìa sách được quy định là bìa 1 (nơi ghi tên tác giả, tên sách, logo nhà xuất bản, công ty sách), bìa 4 (nơi ghi giá tiền, mã ISBN, nội dung trích đoạn hoặc lời giới thiệu sách (nếu có)).
Tuỳ vào việc quyết định in sách với màu sắc thế nào thì phần thiết kế và minh hoạ cần tuân theo như thế.
Ví dụ in trắng đen thì hoạ sĩ/ người thiết kế cần sử dụng tông trắng và đen cho các hình trong ruột sách hoặc bìa sách.
Ví dụ sách in 2 màu (thường là màu đen và một màu bất kỳ), thì hoạ sĩ/người thiết kế cần sử dụng đúng 2 tông màu đó trong suốt quá trình thiết kế của mình.
Ví dụ sách in 4 màu (tức toàn bộ hệ màu đầy đủ khi in), thì hoạ sĩ/người thiết kế có thể tuỳ chọn sự sáng tạo màu sắc phù hợp.
Dàn trang sách
Sau khi nội dung được rà soát hết lỗi chính tả, lỗi đánh máy và hoàn thiện khâu vẽ minh hoạ. Bước tiếp theo trong quy trình xuất bản sách mà nhà xuất bản hoặc công ty sách cần thực hiện là dàn trang đúng quy cách của một cuốn sách hoàn thiện.
Ví dụ sách được in theo khổ 14,5 x 20,5 cm thì thiết kế cần làm cho đúng chuẩn như thế khi lên phần mềm dàn trang Adobe Indesign để thực hiện.
Sản phẩm hoàn thiện sau khi dàn trang sẽ có đầy đủ phần hình minh hoạ, trang xi nhê sách,… Thiết kế có thể xuất file Ebook cho phiên bản sách điện tử hoặc file in cho phiên bản sách giấy.
Tuy nhiên để đảm bảo tránh sai sót trước khi in ấn, cần thực hiện một bước dò lỗi Morat trong file thiết kế. Vì quá trình thiết kế cũng sẽ có sai sót nhất định như canh lề chưa đúng, lỗi đánh máy, lỗi thiếu hình ảnh, đánh số trang,…
Thực hiện in ấn sách
Thực hiện in ấn sách là một trong những công đoạn gần cuối trong quy trình xuất bản sách từ A-Z mà bạn cần thực hiện.
Quá trình in sẽ mất khoảng 15 ngày đến 20 ngày tuỳ vào nhà in cũng như số lượng sách sẽ in (như 1000, 2000, 3000 hay 5000 cuốn).
Nhà in sẽ làm công đoạn thực hiện market từ file thiết kế đã có, sau đó cho lên phim in rồi lên lịch sản xuất. Tuỳ vào kỹ thuật pha màu có chuyên nghiệp hay không mà thành phẩm sách sẽ đúng với màu sắc của file thiết kế đến bao nhiêu %.
Vì là in Offset nên việc pha màu từ kỹ thuật viên kết hợp với chất lượng máy móc sẽ cho ra được thành phẩm có đúng với mong muốn khách hàng hay không. Cũng vì lý do này mà giá cả mỗi nhà in sẽ có mỗi giá khác nhau, bên cạnh việc khổ sách, màu sắc in, số lượng, quy cách in cũng quyết định giá thành sản phẩm.
Nộp lưu chiểu và nhận giấy phát hành sách
Bước cuối cùng trong quy trình xuất bản sách là nộp lưu chiểu sách và nhận giấy phát hành, đây là lúc nhà xuất bản hoặc công ty sách được quyền bán cuốn sách của mình ra ngoài thị trường.
Sau khi in ấn xong, nhà xuất bản hoặc công ty sách cần trích ra số lượng từ 10 đến 15 cuốn sách để nộp lưu chiểu lên Thư viện Quốc gia Việt Nam. Đây là hoạt động bắt buộc của nhà nước trước khi phát hành sách ra ngoài thị trường.
Sau khi nộp lưu chiểu khoảng 10 – 15 ngày, sách sẽ được cấp giấy phát hành. Đây chính là lúc cuốn sách sẽ có hành riêng đi tới độc giả của mình.
Có những hình thức xuất bản sách nào?
Free eBook
Một trong những hình thức giúp bạn xuất bản cuốn sách đầu tay là tự làm Free eBook.
Sách điện tử đang dần trở nên phổ biến trên thế giới trong đó có cả Việt Nam.Nếu mười năm trước, các tác giả chỉ trông đợi tác phẩm bản in cho cuốn sách của mình. Thì ngày hôm nay, với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, các eBook bắt đầu xuất hiện và dần chiếm ưu thế trong lòng độc giả.
Chính nhờ các công cụ hỗ trợ đọc sách trực tuyến như Kindle của Amazon mà lượng người mua bắt đầu ngày càng gia tăng. Thậm chí, các tác giả giờ đây có thể theo dõi doanh số sách của họ mỗi ngày trên internet.
Bạn có thể sử dụng các công cụ miễn phí để đưa sách mình lên trên đó như Amazon Kindle Direct Publishing, Google Play. Với kho sách điện tử khổng lồ hỗ trợ các nền tảng Kindle, iPad, iPhone, PC, Mac, Android, bạn có thể đưa sách mình lên một cách miễn phí để thu hút hàng triệu độc giả cả trong lẫn ngoài nước. Ngoài ra, bạn có thể tự tạo website riêng cho mình và giới thiệu cuốn sách đầu tay với những nội dung cuốn hút để khuyến khích bạn đọc nhấn vào đường link điền thông tin để tải sách về.
Tự xuất bản online hoặc truyền thống
Con đường tự xuất bản sách hiện tại đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam khi các tác giả có được một cộng đồng tốt để bán sách. Lựa chọn hướng tự xuất bản sách online là một cách dễ dàng khiến bạn có thêm khách hàng trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Nếu bạn tự xuất bản sách online, bạn có cơ hội nhận về mức nhuận bút hấp dẫn từ việc bán sách. Ví dụ như bạn đưa sách mình lên Amazon, bạn sẽ được trả nhuận bút lên tới 70%. Và điều thú vị hơn là mức nhuận bút này có thể gửi đến bạn trong suốt cuộc đời. Bạn viết cuốn sách chỉ một lần, nhưng sau khi nó được mang lên nền tảng bán trực tuyến như Amazon, Google Play… việc độc giả mua chúng sẽ không giới hạn được thời gian.
Tự xuất bản truyền thống có nghĩa là bạn chỉ cần mang bản thảo sau khi hoàn thiện đến đơn vị xuất bản để xin các thủ tục về xuất bản, phát hành. Nhà xuất bản sẽ đọc bản thảo để quyết định xem ấn phẩm có vi phạm gì không trước khi cấp phép.
Sau khi cầm tờ giấy xuất bản trên tay, bạn có thể đến nhà in cho công đoạn chuẩn bị đưa sách ra thị trường. Vì toàn quyền sở hữu cuốn sách nên các chi phí từ xin giấy phép đến in ấn…, bạn cần tự bỏ ra. Việc tự xuất bản giúp bạn có được toàn bộ lợi nhuận của việc bán sách thay vì nhận nhuận bút được tính theo % giá bìa và số lượng bản in.
Bán bản quyền sách
Sau khi hoàn thành tác phẩm sách, bạn có thể gửi nó đến các đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng,… hoặc công ty sách như Alphabooks, Phương Nam Book, Thái Hà Books, Sài Gòn Books,…
Nếu nội dung sách của bạn hay, trùng với mục tiêu xuất bản của đơn vị đó, họ sẽ phản hồi để tiếp tục đàm phán việc mua bản quyền và thống nhất thời gian xuất bản.
Nếu tự xuất bản cho bạn quyền tự quyết hoàn toàn với tác phẩm của mình thì hình thức bán bản quyền bạn sẽ bị ràng buộc trong 3 – 5 năm với đơn vị ký mua tác phẩm của bạn để sử dụng. Trong khoảng thời gian đó, bạn không được phép làm việc với một bên nào khác để xuất bản tác phẩm đó.
Về nhuận bút bản quyền sách được tính như sau: 8-10% X giá bìa X số lượng in (Ví dụ 8% sẽ cho các tác phẩm đầu tay X 120.000 X 2000 (cuốn) = 19.200.0000 VNĐ (Nhuận bút bạn sẽ được nhận).
Trường hợp sách được tái bản, bạn sẽ được tính dựa vào số lượng thực tế tái bản sau đó.
Đơn vị mua bản quyền sẽ có toàn quyền quyết định cách họ làm ra sản phẩm như thế nào. Tuy nhiên, họ sẽ hỏi ý kiến của bạn và tôn trọng những đề xuất sáng tạo của bạn cho tác phẩm. Dù là vậy thì quyết định cuối cùng vẫn ở họ để tạo được lợi thế đầu ra cũng như tiêu chí sản xuất của họ.
Qua những gì mình chia sẻ ở trên, hi vọng sẽ giúp được bạn hiểu được quy trình xuất bản sách từ A-Z như thế nào. Từ đó có cho mình quyết định đúng đắn trước khi bắt đầu hành trình viết sách.
Nếu muốn hiểu hơn về việc viết sách cũng như có được sự đồng hành từ người đã từng trải nghiệm trong nghề, bạn có thể tham khảo KHOÁ HỌC VIẾT SÁCH của mình nhé!
Mong bạn sớm có sách đầu tay!